Xoá file và xoá thư mục là những việc mà chúng ta thường xuyên sử dụng khi dùng máy tính. Tuy nhiên đôi khi có những file, thư mục mà chúng ta cố gắng nhưng thể không xoá được. Đây là lúc cần đến các lệnh CMD để xoá file, xoá thư mục.
Nên thận trọng khi sử dụng CMD để xoá file, xoá thư mục. Vì những file hay thư mục bị xoá bằng CMD sẽ không được lưu lại trong thùng rác máy tính, điều này có nghĩa là chúng không thể khôi phục lại được.
Mặc dù xoá file và thư mục bằng CMD có thể nhìn rắc rối hơn cách xoá file và thư mục thông thường. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp sử dụng CMD sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Lấy ví dụ bạn muốn xoá tất cả các file Word có đuôi “.docx” chỉ cần sử dụng lênh sau:
del *.docx
Tương tự để xoá tất cả hình ảnh PNG:
del *.png
Trước khi tìm hiểu về các câu lệnh CMD để xoá file và thư mục trong Windows, hãy cùng học cách mở chương trình Command Prompt.
Nội dung bài viết
Cách mở Command Prompt trong Windows
Bước 1: Nhấn phím “Win” trên bàn phím để mở Start Menu, sau đó gõ “cmd“.
Bước 2: Chương trình Command Prompt hiện lên, chọn “Run as Administrator“.

Kết quả sẽ như hình bên dưới:

Nếu bạn không thể mở Command Prompt bằng Run as Administrator? chọn “Open” thay vì.
Cách xoá file bằng CMD
Cú pháp
Cú pháp để xoá file bằng CMD:
del [tuỳ_chọn] [/A:thuộc_tính_file] tên_file
Các tuỳ chọn (không bắt buộc phải dùng chúng khi xoá file):
- /P – cung cấp cảnh báo xác nhận (Yes/No) trước khi xoá
- /Q – ngược lại với /P, nghĩa là không thông báo trước khi xoá
- /F – dùng để xoá các file được cài đặt chế độ chỉ đọc (Read-only)
- /S – xoá tất cả các file trong tất cả thư mục con
- /A – lựa chọn file cần xoá theo các thuộc tính
- R (Read-only) – xoá các file cài đặt chế độ chỉ đọc
- -R (NOT Read-only) – xoá tất cả trừ các file cài đặt chế độ chỉ đọc
- S (System) – xoá các file hệ thống
- -S (NOT System) – xoá tất cả trừ các file hệ thống
- H (Hidden) – xoá các file ẩn
- -H (NOT Hidden) – xoá tất cả trừ các file ẩn
- A (Archive) – xoá các file nén như rar, zip,…
- -A (NOT Archive) – xoá tất cả trừ các file nén
Hãy đặt dấu 2 nháy đôi (“) vào trước và sau tên file nếu tên file chứa khoảng cách. Ví dụ: “tên file cần xoá”.
Các ví dụ
Ví dụ 1 – Xoá 1 file bằng CMD
Nếu bạn muốn xoá một file tên là “hinh-anh.jpg” trên màn hình Desktop thì thực hiện như sau:
Cách 1:
Bước 1: Nhấp chuột phải vào file “hinh-anh.jpg” và chọn “Properties“.

Bước 2: Bạn sao chép giá trị “Location” của file lại, đây là vị trí lưu file bạn đang muốn xoá.

Bước 3: Bạn mở chương trình Command Prompt lên.
Bước 4: Dùng lệnh CD để di chuyển đến vị trí thư mục chứa file cần xoá mà chúng ta đã sao chép ở bước 2. Chỉ cần gõ CD và dấu cách, sau đó nhấp phải chuột để dán vị trí ra.

Bước 5: Tiếp theo hãy gõ: del “hinh-anh.jpg” và nhấn “Enter” để xoá file.

Bạn cần phải gõ đầy đủ gồm tên file và phần mở rộng của file đó, phần mở rộng xem ở bước 2, mục “Type of file“.
Cách 2:
Bước 1: Giữ phím “Shift” và nhấp phải chuột vào file “hinh-anh.jpg“.
Bước 2: Chọn “Copy as path“.

Bước 3: Mở Command Prompt.
Bước 4: Gõ lệnh del và nhấp phải chuột để dán đường dẫn đầy đủ của file bạn sao chép ở bước 2. Sau đó nhấn Enter để xoá.

Ví dụ 2 – Xoá nhiều file bằng CMD
Tương tự như ở ví dụ 1, tuy nhiên lần này chúng ta xoá 1 lần 3 file gồm “hinh-anh.jpg“, “hinh-anh-2.jpg“, “hinh-anh-3.jpg” trên màn hình Desktop:
Bạn thực hiện tương tự như ví dụ 1, chỉ cần thay thế lệnh xoá ở bước 5 thành câu lệnh bên dưới:
del "hinh-anh.jpg" "hinh-anh-2.jpg" "hinh-anh-3.jpg"
Nếu bạn muốn hiển thị thêm cảnh báo trước khi xoá thì thêm tuỳ chọn /P vào trước lệnh del như sau:
del /P "hinh-anh.jpg" "hinh-anh-2.jpg" "hinh-anh-3.jpg"
Kết quả như hình bên dưới, bạn chọn “Y (yes)” để xác nhận xoá, hoặc “N (no)” để huỷ.

Ví dụ 3 – Xoá file chế độ Read-only
Nếu bạn sử dụng lệnh del thông thường để xoá các file cài chế độ Read-only thì sẽ không thành công.

Do đó bạn cần phải thêm tuỳ chọn /F để thực hiện xoá các file cài chế độ Read-only.
del /F "hinh-anh.jpg"
Ví dụ 4 – Xoá các file bị ẩn
Hình ảnh dưới đây gồm 3 file, file “hinh-anh.jpg” và 2 file được cài ở chế độ ẩn “hinh-an-bi-an.jpg“, “hinh-an-bi-an-2.jpg“.

Để xoá 2 file ẩn lưu ở Desktop bạn thực hiện bằng câu lệnh bên dưới.
del /A:H *
Lưu ý: dấu sao (*) là xoá tất cả các file ở thư mục hiện tại.
Ví dụ 5 – Xoá tất cả các file trong tất cả các thư mục con
Đây là phương pháp khá hữu ích khi bạn muốn xoá tất cả các file nhưng vẫn giữ lại cấu trúc thư mục.
Để thực hiện ví dụ này bạn cần tạo thư mục có cấu trúc như sau hình ảnh bên dưới:

Cấu trúc gồm thư mục gốc tên là “thu-muc“, trong “thu-muc” có “file.txt” và “thu-muc-2“, trong “thu-muc-2” có “file-2.txt” và “thu-muc-3“, trong “thu-muc-3” chỉ có “file-3.txt“.
Câu lệnh CMD sau sẽ xoá tất cả các file trong thư mục “thu-muc” và các thư mục con bên trong. Điều này có nghĩa là các file: “file.txt“, “file-2.txt” và “file-3.txt” đều sẽ bị xoá, các thư mục giữ nguyên.
del /S thu-muc
Kết quả như hình bên dưới, hãy so sánh với hình bên trên để thấy sự khác biệt:

Cách xoá thư mục bằng CMD
Cú pháp
Lệnh CMD để xoá thư mục:
rmdir tên_thư_mục
Bạn có thể thay lệnh rmdir bằng rd, đơn giản vì cả 2 lệnh này có cùng chức năng.
Đặt dấu 2 nháy (“) vào trước và sau tên thư mục nếu tên thư mục chứa khoảng cách. Ví dụ: “tên thư mục”.
Các ví dụ
Xoá thư mục bằng CMD cũng tương tự như xoá file bằng CMD. Đầu tiên bạn phải tìm vị trí của thư mục muốn xoá.
Ví dụ 1 – Xoá thư mục RỖNG có tên là “thu-muc” được lưu ở Desktop.
Bước 1: Nhấp chuột phải vào thư mục muốn xoá và chọn “Properties“.

Bước 2: Sao chép giá trị “Location” lại.

Bước 3: Mở chương trình Command Prompt lên.
Bước 4: Dùng lệnh CD để di chuyển đến các thư mục trong CMD. Bạn gõ CD rồi cách ra, sau đó nhấp chuột phải vào chương trình Command Prompt để dán giá trị “Location” vừa sao chép ở bước 2. Và nhấn “Enter“.

Bước 5: Gõ lệnh xoá thư mục: rmdir thu-muc và nhấn “Enter” để xoá.

Nếu bạn xoá một thư mục mà nó có chứa file hoặc thu mục con thì lệnh CMD trên sẽ thông báo lỗi là “The directory is not empty.”
Ví dụ 2 – Xoá thư mục KHÔNG RỖNG
Để xoá thư mục có chứa các file và thư mục con bên trong, bạn chỉ cần thêm /S vào sau lệnh rmdir như sau:
rmdir /S thu-muc
Ví dụ 3 – Xoá thư mục không cần phải xác nhận Yes/No
Để xoá thư mục mà không xuất hiện cảnh báo bạn chỉ cần thêm /Q vào sau lệnh rmdir như sau:
rmdir /Q /S thu-muc
Tổng kết
Trên đây là bài viết hướng dẫn cách xoá file, xoá thư mực sử dụng lệnh CMD trong Windows với nhiều ví dụ chi tiết. Huy vọng sẽ giúp được bạn một phần nào đó trong khi học tập, làm việc. Một điều tôi khuyên bạn luôn nhớ đó là xoá file và thư mục bằng CMD sẽ không phục hồi lại được.
Bài viết liên quan được lựa chọn cẩn thận
Hướng dẫn xoá thư mục Windows.old trên Win 10
Cách khôi phục file đã xoá trên Windows