Bluetooth đã trải qua hơn 20 năm phát triển và tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống của chúng ta. Lúc mới ra mắt, Bluetooth được sử dụng với mục đích chính là thay thế các thiết bị sử dụng dây cáp để kết nối. Tuy nhiên, hiện nay Bluetooth đã trở thành một chuẩn kết nối thông dụng với nhiều tính năng hơn.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ nhìn lại sự phát triển của Bluetooth qua các phiên bản nâng cấp của nó. Và trước hết, hãy tìm hiểu về khái niệm Bluetooth.
Nội dung bài viết
Bluetooth là gì?
Bluetooth là một công nghệ kết nối không dây cho phép các thiết bị điện tử có thể dễ dàng kết nối và truyền tải dữ liệu với nhau trong phạm vi ngắn. Ưu điểm của Bluetooth là sự tiện lợi, linh hoạt và tính phổ biến của nó, giúp dễ dàng kết nối hầu hết mọi thiết bị với nhau.
Danh sách tất cả các phiên bản Bluetooth hiện nay (tính đến tháng 11/2023)

Bluetooth 1.0 đến 3.0 được gọi là Bluetooth Classic: Bởi vì ở những phiên bản đầu tiên này chức năng chính của Bluetooth chỉ được sử dụng để kết nối các thiết bị và thực hiện việc giao tiếp, truyền tải dữ liệu.
Bluetooth 4.0 trở đi được gọi là Bluetooth EL (Low Energy): sự thay đổi này với mục đích là giúp tiết kiệm năng lượng (pin) của các thiết bị trong khi thực hiện kết nối.
Phiên bản | Thời điểm ra mắt | Các bản nâng cấp |
Bluetooth 1.0 | Năm 1999 | Bluetooth 1.1 (2001), Bluetooth 1.2 (2003) |
Bluetooth 2.0 | Năm 2005 | Bluetooth 2.1 (2007) |
Bluetooth 3.0 | Năm 2009 | Không có bản nâng cấp |
Bluetooth 4.0 | Năm 2010 | Bluetooth 4.1 (2013), Bluetooth 4.2 (2014) |
Bluetooth 5.0 | Năm 2016 | Bluetooth 5.1 (2019), Bluetooth 5.2 (2019), Bluetooth 5.3 (2021) |
1. Bluetooth 1.0 (năm 1999)
“Vạn sự khởi đầu nan“.
Bluetooth 1.0 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1998 và chính thức ra mắt vào năm 1999 khi được tích hợp trên một thiết bị điện tử. Phiên bản đầu tiên đã ra mắt và không nhận được nhiều ấn tượng tốt do gặp phải những vấn đề về khả năng tương tác.
Với bản cập nhật 1.1, Bluetooth đã cố gắng khắc phục các vấn đề gặp phải ở phiên bản đầu tiên, nhưng tiêu chuẩn này vẫn không thể tồn tại cho đến khi phát hành Bluetooth 1.2, giúp cải thiện tốc độ truyền lên 721Kbps bằng kỹ thuật xử lý tín hiệu tiên tiến và phát hiện kết nối nhanh hơn.
2. Bluetooth 2.0 (năm 2005)
Phiên bản Bluetooth 2.0 chủ yếu tập trung về việc cải thiện tốc độ truyền tải dữ liệu cũng như tính bảo mật và khoảng cách kết nối giữa các thiết bị được tăng lên, cụ thể:
- Bluetooth 2.0 cho tốc độ truyền dữ liệu 2.1MB/s
- Bluetooth 2.1 cho tốc độ truyền dữ liệu 3MB/s
Với phiên bản Bluetooth 2.1 chúng ta chỉ mất khoảng vài giây để gửi một bản nhạc MP3 với dung lượng khoảng 5MB.
Ngoài ra, Bluetooth 2.1 cũng đã cải thiện khả năng kết nối từ 10 mét lên 100 mét và tăng cường tính bảo mật để chống lại các cuộc tấn công nghe lén.
3. Bluetooth 3.0 (năm 2009)
Ở phiên bản 3.0 này, Bluetooth đã có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa lên đến 24MB/s. Tuy nhiên so với phiên bản cũ 2.0 thì phiên bản Bluetooth 3.0 này được đánh giá là có mức tiêu thụ pin rất nhiều. Điều này tạo nên những phản ứng trái ngược ở cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất thiết bị điện tử.
Phiên bản Bluetooth 3.0 vẫn còn một số hạn chế, bao gồm việc tiêu thụ pin quá nhiều gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng và tuổi thọ pin của thiết bị. Do đó, người dùng và các nhà sản xuất đang rất mong đợi một sự thay đổi lớn ở phiên bản tiếp theo của công nghệ kết nối này.
4. Bluetooth 4.0 (năm 2010)
Bluetooth SIG giới thiệu Bluetooth 4.0 vào năm 2010 với những thay đổi quan trọng về vấn đề tiêu thụ pin của Bluetooth trên các thiết bị. Chuẩn Bluetooth Low Energy (BLE) mới ra mắt để thay thế chuẩn Bluetooth Classic trước đây, với mục đích giúp tăng khả năng tiết kiệm pin trong quá trình sử dụng Bluetooth.
Sau đó 3 năm, phiên bản Bluetooth 4.1 được ra mắt với khả năng hoạt động cùng với mạng di động 4G LTE. Mặc dù vậy, phải đợi đến khi phiên bản Bluetooth 4.2 ra mắt vào năm 2014 thì tiềm năng thực sự của BLE đã được khai thác. Nổi bật là khi kết hợp với mô hình công nghệ Internet of Things (IoT).
5. Bluetooth 5.0 (năm 2016)
Mặc dù là một phiên bản hoàn toàn mới, tuy nhiên Bluetooth 5.0 dường như chỉ được cải tiến về tốc độ và phạm vi kết nối cho các thiết bị trong mô hình IoT ở phiên bản Bluetooth 4.0.
Bluetooth 5.0 có khả năng chia giao thức BLE thành nhiều tầng khác nhau: 2Mbps, 1 Mbps, 500Kbps và 125Kbps. Điều này cho phép các thiết bị BLE tầm gần như tai nghe đạt được băng thông lớn hơn, trong khi các cảm biến tự động hóa công nghiệp và gia đình không yêu cầu truyền lượng lớn dữ liệu có thể đánh đổi tốc độ để có phạm vi rộng hơn.
Tuy vậy, Bluetooth 5.0 cũng được bổ sung thêm một tính năng mới khá thú vị có tên là “âm thanh kép”. Tính năng này cho phép một thiết bị (ví dụ: điện thoại) có thể truyền tải âm thanh cùng một lúc đến hai thiết bị khác nhau (ví dụ: tai nghe Bluetooth, loa Bluetooth).
Đến năm 2019, Bluetooth 5.1 được ra mắt với khả năng cho phép một thiết bị có thể vừa kết nối với một thiết bị cùng cấp và với máy chủ.
Năm 2020, Bluetooth 5.2 được giới thiệu tại sự kiện CES (Consumer Electronics Show) với công nghệ Bluetooth Low Energy Audio cho phép truyền tải âm thanh chất lượng cao hơn với mức tiêu thụ năng lượng thấp.
Bluetooth 5.3 là phiên bản Bluetooth mới nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phiên bản mới này mang đến khá nhiều cải tiến liên quan đến khả năng tiết kiệm năng lượng và tính bảo mật:
- Tăng cường thông báo định kì: thông thường, Bluetooth sẽ cố gắng truyền rất nhiều bản sao của cùng một dữ liệu với mong muốn thiết bị nhận nhận được. Và với tính năng mới này sẽ giúp thiết bị nhận có thể nhận ra và loại bỏ xử lý các dữ liệu nó đã nhận thành công.
- Tăng kích thước khoá mã hoá: mã hoá là cách duy nhất để giúp bảo vệ dữ liệu khi truyền tải, với việc tăng độ dài của khoá mã hoá giúp tăng tính bảo mật tốt hơn.
- Đánh giá kết nối: nếu trước đây Bluetooth sẽ sử dụng cùng một mức tiêu thụ năng lượng cho tất cả các xử lý thì giờ đây nó đã biết được làm thế nào để giảm hoặc tăng mức tiêu thục năng lượng cho từng xử lý khác nhau. Ví dụ: khi bạn bật Bluetooth mà không sử dụng đến, nó sẽ nhận ra điều này và tự động giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống, ngược lại khi bạn sử dụng để truyền dữ liệu thì mức năng lượng sẽ tăng lên phù hợp.
- Nâng cao việc phân loại kênh: nâng cấp này cho phép các thiết bị Bluetooth ngoại vi thực hiện phân loại kênh khi các gói dữ liệu được truyền qua các tần số khác nhau. Trước đây điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua thiết bị Trung tâm, nhưng phương pháp mới này sẽ làm cho việc xung đột gói ít xảy ra hơn và do đó cải thiện khả năng truyền tải.
So sánh các phiên bản Bluetooth (tốc độ, phạm vi, mức tiêu thụ và bảo mật)
Đặc tính | Bluetooth 1.0 | Bluetooth 2.0 | Bluetooth 3.0 | Bluetooth 4.0 | Bluetooth 5.0 |
Tốc độ | 732KB/s đến 1MB/s | 2.1MB/s | 24MB/s | 25MB/s | 50MB/s |
Phạm vi | 10 mét | 30 mét | 30 mét | 60 mét | 240 mét |
Mức tiêu thụ | Cao | Cao | Cao | Trung bình | Thấp |
Bảo mật | Thấp | Thấp | Thấp | Trung bình | Cao |
Tổng kết
Nội dung của bài viết hôm nay có vẻ khá dài, và sau đây tôi sẽ tổng hợp lại những nội dung chính để giúp bạn ghi nhớ dễ hơn.
Thứ nhất: Bluetooth là một công nghệ không dây sử dụng để kết nối giữa các thiết bị điện tử, là giải pháp hoàn hảo để thay thế cho kết nối bằng dây cáp.
Thứ hai: Phiên bản Bluetooth đầu tiên là Bluetooth 1.0, ra mắt vào năm 1999 và cho đến thời điểm hiện tại năm 2023 đã có 4 nâng cấp chính gồm: Bluetooth 2.0, Bluetooth 3.0, Bluetooth 4.0 và Bluetooth 5.0.
Thứ ba: Phiên bản Bluetooth mới nhất hiện đang được sử dụng đó là Bluetooth 5.3 với nhiều cải tiến vượt bật.